Nông nghiệp hữu cơ giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm – Bùi Ngọc Châu

06/12/2024 13:10  

Hậu quả của việc lạm dụng hóa chất trong nông nghiệp đã lộ rõ nhiều bất cập như: đất đai bạc màu, sâu bệnh càng tiến hóa để thích ứng và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người. Cho nên, thời gian gần đây cả thế giới đều hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ, trong đó có Việt Nam. Xu hướng này được nhà nước rất chú trọng và khuyến khích.

Thực trạng vệ sinh an toàn trong sản xuất thực phẩm hiện nay?

Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là mối quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam. Vệ sinh an toàn thực phẩm không những ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống mà còn quyết định uy tín của thương hiệu sản phẩm thực phẩm. Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của một loại thực phẩm được quyết định bởi tất cả các công đoạn mà công đoạn đầu tiên là sản xuất, tiếp đến là chế biến, bảo quản, lưu thông đến tay người tiêu dùng.

Hiện nay, thực phẩm sạch được người dân đặc biệt chú ý quan tâm, vì nó liên quan đến sức khoẻ con người. Vấn đề tồn dư thuốc bảo vệ thực vật và hoá chất trong rau còn cao, đang là mối lo chung của toàn xã hội. Tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật nhiều quá mức cần thiết vẫn còn xảy ra thường xuyên tại một số địa phương, ảnh hưởng lâu dài tới môi trường sống, nguồn nước ngầm và đất đai.

Về phân tích thức ăn chăn nuôi công nghiệp cho thấy hàm lượng độc tố và thức ăn nhiễm vi sinh vật gây bệnh cũng như hàm lượng kim loại nặng như chì, đồng, kẽm trong thức ăn chăn nuôi cao hơn mức quy định từ 1,8 đến 5,6 lần. Điều này gây tồn dư và ảnh hưởng đến tính an toàn của vật nuôi.

Trong những thâp kỷ gần đây, nông nghiệp Việt Nam có bước phát triển mạnh mẽ và đạt được những thành tựu đáng kể về năng suất, sản lượng, chủng loại và quy mô sản xuất…; đã tạo ra một khối lượng sản phẩm rất lớn đảm bảo tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, nông nghiệp nước ta đang đứng trước những thách thức không nhỏ đó là: vấn đề ô nhiễm môi trường, đất đai bạc màu, suy giảm đa dạng sinh học, ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật ở người, bùng phát sâu bệnh do sự phá huỷ hệ sinh thái xuất phát từ việc sử dụng quá nhiều hóa chất.

Để khắc phục những nhược điểm trên, nông nghiệp nước ta đang từng bước chuyển dịch sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ. Trên thị trường, người dân đã biết đến và đang làm quen dần với các sản phẩm nông sản sạch như: rau sạch, rau an toàn và một số hoa quả, thực phẩm an toàn.

Nông nghiệp hữu cơ được dựa trên các kiến thức khoa học kết hợp với sự màu mỡ của đất đai và các biện pháp cải tạo đất để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Đối với nông nghiệp hữu cơ, do mới phát triển vài năm gần đây ở Việt Nam. Quy mô còn rất nhỏ và mang tính thử nghiệm, nhưng nông nghiệp hữu cơ đã có sức hấp dẫn và thu hút được sự quan tâm của người sản xuất và tiêu dùng. Bởi vì nông nghiệp hữu cơ đã sử dụng các biện pháp và quá trình canh tác được coi là lành mạnh về sinh thái và bền vững. Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ có chất lượng cao và đảm bảo an toàn cho sức khoẻ con người. Trong nông nghiệp hữu cơ, nông dân không sử dụng phân bón hóa học và các chất kích thích tăng trưởng; không sử dụng các hóa chất bảo vệ thực vật hoặc các chất diệt cỏ….; nông nghiệp hữu cơ từ chối sử dụng các chế phẩm biến đổi gien.

Nông nghiệp hữu cơ là gì? Và Các nguyên tắc cơ bản của nông nghiệp hữu cơ

 

Nông nghiệp hữu cơ là một hình thức nông nghiệp tránh hoặc loại bỏ phần lớn việc sử dụng phân bón tổng hợp, thuốc trừ sâu, các chất điều tiết tăng trưởng của cây trồng và các chất phụ gia trong thức ăn gia súc.

Các nông dân canh tác theo hình thức nông nghiệp hữu cơ dựa tối đa vào việc quay vòng mùa vụ, các phần thừa sau thu hoạch, phân động vật và việc canh tác cơ giới để duy trì năng suất đất nhằm cung cấp các chất dinh dưỡng cho cây trồng, kiểm soát cỏ, côn trùng và các loại sâu bệnh khác.

Mục đích hàng đầu của nông nghiệp hữu cơ là tối đa hóa sức khỏe và năng suất của các cộng đồng độc lập về đời sống đất đai, cây trồng, vật nuôi và con người.

Theo tổ chức nông nghiệp hữu cơ quốc tế IFOAM: “Vai trò của nông nghiệp hữu cơ, dù cho trong canh tác, chế biến, phân phối hay tiêu dùng, là nhằm mục đích duy trì sức khỏe của hệ sinh thái và các sinh vật từ các sinh vật có kích thước nhỏ nhất sống trong đất đến con người.”

Nhìn chung Canh tác Nông nghiệp hữu cơ sẽ cải thiện và duy trì cảnh quan tự nhiên và hệ sinh thái nông nghiệp, tránh việc khai thác quá mức và gây ô nhiễm cho các nguồn lực tự nhiên, giảm thiểu việc sử dụng năng lượng và các nguồn lực không thể tái sinh, sản xuất đủ lương thực có dinh dưỡng, không độc hại, và có chất lượng cao… Ngoài ra, nông nghiệp hữu cơ còn đảm bảo, duy trì và gia tăng độ màu mỡ lâu dài cho đất, củng cố các chu kỳ sinh học trong nông trại, đặc biệt là các chu trình dinh dưỡng, bảo vệ cây trồng dựa trên việc phòng ngừa thay cho cứu chữa, đa dạng các vụ mùa và các loại vật nuôi, phù hợp với điều kiện địa phương,…

Tại sao Nông dân chọn sản xuất Nông nghiệp hữu cơ?

 

Đã có một số cuộc điều tra được thực hiện trên toàn thế giới để trả lời câu hỏi này, Nông dân toàn thế giới (trong đó có Việt Nam) đều có chung câu trả lời đó là:

-Vì sức khoẻ của cả gia đình họ

-Vì có thu nhập cao hơn.

-Vì có môi trường tốt hơn.

-Vì thực phẩm an toàn hơn.

Tại sao người tiêu dùng chọn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ? 

Vì sản phẩm hữu cơ không có chất thải từ thuốc trừ sâu và chất kích thích tăng trưởng trong sản phẩm hữu cơ.
Rau quả hữu cơ có vị ngon hơn, nhiều dinh dưỡng hơn và bảo quản được lâu hơn.
Rau quả hữu cơ có chứa nhiều chất chống ôxy hoá có tác dụng chống các bệnh ung thư hơn các loại thực phẩm canh tác theo phương thức thông thường.

Sự khác nhau giữa sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và sản phẩm sạch, an toàn khác là gì?

Sự khác biệt rõ nhất giữa các loại sản phẩm hữu cơ với sản phẩm sạch, an toàn khác là quy trình sản xuất: Sản xuất các sản phẩm hữu cơ không sử dụng thuốc trừ sâu và phân hoá học, nguồn thức ăn trong chăn nuôi là nguồn thức ăn tự nhiên. Trong khi quy trình sản xuất rau quả và sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn vẫn sử dụng một số lượng nhất định thuốc trừ sâu và phân bón hoá học, thức ăn tăng trọng và các chất kích thích trong chăn nuôi.

Các biện pháp kỹ thuật được dùng trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ gồm

– Về phân bón: chỉ dùng phân hữu cơ làm từ phân chuồng, phân xanh, phân rác, các phế liệu từ lò mổ và nếu có dùng phân khoáng thì dùng loại phân khó tiêu (như phốt phát tự nhiên, bột các loại tảo biển).

– Về phòng trừ sâu bệnh: Không dùng thuốc hóa học mà phải phát huy tính chống chịu của cây trồng bằng cách bón phân tốt, luân canh, xen canh thường xuyên kết hợp với phòng trừ sinh học, vệ sinh đồng ruộng, dùng các thuốc phòng trừ thảo mộc.

– Về làm đất: Chỉ làm ở lớp đất mỏng (10 – 15 cm), bón phân để tạo điều kiện cho vi sinh vật hoạt động.

Nếu chúng ta làm một phép tính so sánh về chi phí sẽ thấy: chi phí mua nguyên vật liệu để sản xuất ra phân hữu cơ giảm 30% so với chi phí mua phân bón hóa học.

Vì hệ thống canh tác này hướng tới tăng cường sinh thái tự nhiên hơn là phá hoại tự nhiên. Nó chủ yếu dựa vào các nguồn sẵn có tại chỗ được tận dụng tối đa để bồi hoàn cho đất, góp phần giữ gìn sinh thái.

MÔ HÌNH SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ Ở MALAYSIA

Sản xuất hữu cơ ở nông trại của Malaysia được tiến hành trong vườn có mái che, lợp bằng nhựa trong suốt cho ánh sáng xuyên qua.

Mái có tác dụng không cho mưa trực tiếp xuống đất nên chống được rửa trôi, xói mòn.

Hệ thống tưới tự động, tưới phun sương, đảm bảo cung cấp đủ nước theo yêu cầu của cây rau.

Phân hữu cơ là vấn đề quan trọng nhất trước khi sản xuất theo hình thức canh tác hữu cơ. Do đó, trước hết ở các trang trại phải giải quyết nguồn nguyên liệu để làm phân ủ.

Nguồn nguyên liệu và cách ủ phân như sau

 

Phân ủ có thành phần : phân gà, cám gạo, mùn cưa và men. Các nguyên liệu này được trộn đều, thêm nước, bảo đảm độ ẩm 40 – 50%, đem ủ trong 3 tháng. Hàng tuần đảo chuyển từ ô này sang ô khác trong kho. Loại phân ủ này để bồi dưỡng nâng cao độ phì đất. Lượng bón của loại phân này là 3 tấn / ha-

Trang trại tự làm lấy phân Bocasi bằng cách trộn phân gà, bánh khô dầu, cám, đất, trộn với men. Hỗn hợp trên trộn đều, đem ủ trong 1 tuần. Trong thời gian ủ, thường xuyên đảo. Trong hỗn hợp trên có phân gà và khô dầu có hàm lượng đạm cao, sau khi ủ được phân giải thành Amino acid cây có thể hấp thụ được.-

Ủ các loại lá già, bộ phận thừa của rau đem trộn với phân gà và men đem ủ. Tuy nhiên loại phân ủ này có hàm lượng mùn thấp, chỉ khoảng 2%, nếu thay bằng rơm rạ thì hàm lượng mùn đạt 10%, nếu thay bằng mùn cưa thì hàm lượng mùn đạt đến 30%.

Cách thứ hai tốt hơn đó là các lá già và bộ phận thừa của rau đem ngâm cho nát, lấy nước tưới. Phần bã đem trộn với phân ủ.

Cùng với sản xuất phân bón hữu cơ, Kenji FF đã kiên trì hướng dẫn nông dân, giúp cho nông dân hiểu được quá trình biến đổi của đất trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ như thế nào.

Trong đất có quá trình biến đổi của chất hữu cơ, cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng, giúp cho cây trồng có phẩm chất tốt (Rau này ăn ngọt hơn rau bón bằng các chất vô cơ).

Nếu chỉ phun thuốc 1 lần hoặc bón vô cơ 1 lần thì coi như thất bại hoàn toàn.

Các trang trại chủ yếu sản xuất các loại rau : Cà chua, cải bắp, cà rốt, củ cải. Khó khăn năm đầu chuyển đổi là có sức ép từ những người khác, họ không tin và chê bai cách làm hữu cơ, phải tìm tòi chọn các giống cây phù hợp với biện pháp canh tác hữu cơ, có khả năng chống chịu sâu bệnh, loại bỏ những giống không phù hợp và nhiễm sâu bệnh. Các trang trại hữu cơ đã rất kiên nhẫn, quyết tâm làm. Đến nay đã chuyển đổi được 3 năm, nông dân đã có thể tự cấp, tự túc được phân ủ mà không phải mua từ bên ngoài. Việc trừ sâu bằng biện pháp thủ công và bẫy dẫn dụ côn trùng bằng Feromon, không ảnh hưởng đến cây trồng.

 

Đến nay người nông dân đã làm hữu cơ “Giỏi hơn” chuyên gia của KFF.

Thu nhập trung bình của 1 trang trại là 26.000 – 30.000 Ringgit / năm. Hiện nay ở Malay sia có 40 nông trại sản xuất hữu cơ.

Chúng tôi thấy rằng có thể học tập các mô hình trang trại ở Cameron Hightland để sản xuất thực phẩm hữu cơ ở Việt nam. Một trong những công đoạn của quá trình sản xuất, tiêu thụ nông sản, trong đó có rau, là đóng gói. Rau sau khi thu hoạch từ các trang trại hữu cơ, được rửa sạch và chuyển đến cơ sở đóng gói của KFF. Rau tiếp tục đưa kiểm tra, bỏ bớt lá già, rồi hong khô bằng quạt, sau đó đóng gói bằng các bao bì sạch, có in nhãn hiệu sản phẩm hữu cơ được chứng nhận. Tiếp đó sản phẩm được bảo quản trong kho lạnh trước khi phân phối cho các cửa hàng hoặc siêu thị. Các cửa hàng bán rau đều có kho lạnh và tủ kính lạnh để bảo quản cho rau được tươi lâu. Các nhà kinh doanh tiếp thị bằng nhiều cách:

Tuyên truyền trên Đài phát thanh, tuyên truyền bằng các tờ gấp, tờ rơi về sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, Vận động người bị bệnh ung thư sử dụng rau hữu cơ… để mở rộng phạm vi tiêu thụ. Việc quản lý nông nghiệp hữu cơ ở Malaysia đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm tốt. Tất cả hoạt động của Kenji FF đều được quản lý chặt chẽ bằng hệ thống sổ sách, tài liệu, máy vi tính.

Danh mục công việc được quản lý bao gồm

-Danh sách sản phẩm tươi nhập vào.

-Các đơn đặt hàng.

-Sổ theo dõi tình hình gieo trồng ở các nông trại phục vụ nhu cầu bán hàng

-Biên bản ghi nhớ tại nơi bán hàng

-Bảng tóm tắt hàng ngày bán hàng.

-Bảng tóm tắt hàng tuần.

Nhờ có phương pháp quản lý như trên, hoạt động của Kenji được vận hành tốt, nâng cao uy tín, kinh doanh có lãi.

Qua việc thực hiện nông nghiệp hữu cơ của Malaysia, chúng tôi thấy Việt Nam nói chung và Quảng Nam nói riêng có nhiều khả năng sản xuất được rau sạch trên phạm vi rộng . Điều này chẳng những làm tăng giá trị của nông phẩm mà quan trọng hơn là nó xử lý hiệu quả các chất thải hữu cơ, tránh ô nhiễm môi trường, tạo nên những sản phẩm sạch theo đúng nghĩa của nó, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của xã hội.

Bùi Ngọc Châu